Bạn vừa có chuyến “du hí” dài ngày trên những bãi biển ngập nắng, hay đang lang thang thăm thú cảnh đẹp ở những thành phố sôi động ở nước ngoài và bỗng dưng phát hiện kỳ nghỉ của mình sắp hết, phải lên máy bay trở về nhà? Thật là một cảm giác vô cùng… khủng khiếp!
Bạn đã bị vẻ đẹp và sức hấp dẫn của những bãi biển, những điểm tham quan của một số thành phố “hớp” mất hồn.
Quả thực, đối với nhiều người, trở về sau những chuyến đi là một chuyện… cực chẳng đã, bởi bạn đã bị vẻ đẹp và sức hấp dẫn của những thành phố đó “hớp” mất hồn. Thế rồi bạn chợt nảy sinh ra một ý tưởng “táo bạo” là sẽ quyết định ở lại sinh sống và làm việc ở nước ngoài như một người xa xứ. Nếu đây là ý tưởng bạn đang “nung nấu” thì hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây, và chuẩn bị cho mình những bước đi cơ bản nhất, vì chỉ cần bạn thích và quyết tâm thực hiện thì sẽ không có gì là không thể.
1. Tìm một công việc thích hợp
Để có thể bắt đầu cuộc sống tại một nơi ở mới một cách lâu dài và ổn định, điều kiện tiên quyết là bạn phải tìm cho mình một công việc. Trừ khi bạn đủ giỏi giang và may mắn để có thể có được một công việc làm từ xa. Hiện có rất nhiều website dành riêng cho việc tìm kiếm công việc ở nước ngoài như Expatjobs.eu, với rất nhiều địa điểm làm việc ở 140 quốc gia trên thế giới. Bạn là người giỏi ngoại ngữ, tự tin, năng động, thích được thử thách trong những môi trường làm việc khác nhau, vậy tìm kiếm một công việc mới chắc chắn sẽ không làm khó được bạn!
2. Có một nơi để “an cư”
Mọi người thường nói rằng “an cư lạc nghiệp”, tức là bạn cần phải có một chỗ ở “ngon lành” rồi bạn mới có thể yên tâm làm việc được. Nếu bạn đang trong quá trình di chuyển ra nước ngoài với công việc mình mới kiếm được, bạn có thể nhờ những người bên chỗ làm mới tìm giúp bạn một chỗ ở thích hợp, nếu không, bạn cũng nên chủ động tìm kiếm nơi ở cho chính mình. Bạn cũng nên chú ý lắng nghe lời khuyên về những kinh nghiệm chọn nơi ở của mọi người càng nhiều càng tốt. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xem xét tình hình an ninh, xã hội cũng như chi phí nơi bạn sẽ sống, sẽ là hoàn hảo nếu chỗ bạn ở gần nơi làm việc và các điểm tham quan ấn tượng của thành phố.
3. Sắp xếp lại vấn đề tài chính
Có rất nhiều vấn đề về tài chính bạn cần phải cân nhắc khi thực hiện một chuyến đi ra nước ngoài, cho dù là đi định cư hay chỉ là tạm thời. Vấn đề quan trọng là làm sao để bạn sử dụng được tài chính của mình trong khi đang ở nước ngoài. Mở một tài khoản ngân hàng mới ở đất nước bạn dự định sống là điều cần thiết phải làm, hay bạn cũng có thể lựa chọn dịch vụ của những ngân hàng chuyển tiền quốc tế với giá cả phải chăng, hoặc chọn ngân hàng trực tuyến sẽ giúp bạn quản lý tài chính dễ dàng hơn.
4. Chăm sóc sức khỏe thật tốt
Bạn nên biết rằng, cho dù bạn đang sinh sống ở quốc gia phát triển đi chăng nữa thì chưa chắc những nơi đó đều có dịch vụ y tế hoàn hảo. Và nếu như bạn để mình bị những vấn đề về sức khỏe dù ít hay nhiều, thì việc đó cũng sẽ gây cho bạn những phiền toái và ảnh hưởng nhất định đến công việc. Do vậy, đừng để “nước tới chân mới nhảy”, hãy chú ý tập thể dục thường xuyên, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo dịch vụ bảo hiểm sức khỏe khá nổi tiếng cho người nước ngoài như Cigna expat insurance.
5. Tận hưởng cuộc sống mới mẻ ở vùng đất mới
Cuối cùng, bạn hãy tận hưởng những điều thú vị và bất ngờ của cuộc sống ở nước ngoài mà bạn đã lựa chọn, cho dù là bạn quyết định sẽ sống luôn ở đó hay chỉ sống trong một khoảng thời gian. Bạn có thể đi thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng tại đó, nhưng bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn nếu “thoát” ra những nơi quen thuộc để lang thang khám phá những khu vực xa xôi, khắc nghiệt hơn, nơi bạn biết sẽ dạy cho mình rất nhiều những bài học về cuộc sống.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết rằng, mọi thứ đều không phải luôn là “màu hồng”, sống ở một quốc gia mới lạ không phải là không có những “cạm bẫy” và khó khăn riêng của nó, nhưng một khi bạn đã có những kế hoạch cẩn thận và chi tiết, bạn sẽ mở ra cho thế giới của bản thân mình một trang hoàn toàn mới, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét