I/ GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ SINGAPORE:
Singapore, tên chính thức là Cộng Hòa Singapore. Với diện tích khiêm tốn chỉ 710 km2, tức là tương đương với một thành phố nhỏ ở Việt Nam, Singapore là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á và là một trong những nước có diện tích nhỏ nhất thế giới, nhưng ngành du lich singapore rất phát triển.
Vốn là một làng chài nhỏ bé của cư dân Mã Lai, ngày 29 tháng 01 năm 1819 nơi này được Ngài Thomas Stamford Raffles khai phá và sau đó xây dựng thành đầu mối giao thương buôn bán, thu hút những người nhập cư và thương nhân khắp nơi, đông đảo nhất là người đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu. Kể từ đó làng chài nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành một thương cảng có tầm quan trọng hàng đầu thế giới, một quốc gia phát triển với tốc độ chóng mặt, và là nơi lý tưởng cho bất cứ người nào thích lối sống văn minh lịch sự.
Tên gọi Singapore bắt nguồn từ “Singapura” trong tiếng Mã Lai, vốn có gốc là từ “Singa” nghĩa là Sư tử, và “pura” nghĩa là thành phố trong tiếng Phạn, từ đó Singapore thường được người ta gọi với tên thân mật là “Thành phố sư tử”. Truyền thuyết kể lại rằng một vị hoàng tử đã nhìn thấy sinh vật đầu tiên sống trên hòn đảo này có hình giống như một chú sư tử. Ngày nay đến với Singapore ta cũng dễ dàng hình dung được sinh vật đó qua bức tượng nhân sư được coi là biểu tượng của quốc gia này.
Trong lịch sử, Singapore từng là thuộc địa của Anh quốc, một thời gian ngắn là Nhật Bản, rồi là một Bang của Liên Bang Mã Lai, đến năm 1965 mới chính thức là một bang độc lập, lấy ngày 9 tháng 8 là ngày Quốc khánh.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore từ trong vô vàn khó khăn khi thành lập nước đã vươn mình mạnh mẽ, dẹp bỏ được đói nghèo và vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển của thế giới. Nơi đây có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao vào hàng đầu châu Á và thế giới như: Cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc, đứng hàng đầu về sản xuất máy tính điện tử và hàng bán dẫn,….
II/ SỰ HÒA HỢP VÀ ĐA DẠNG CỦA VĂN HÓA:
DÂN SỐ
Với khoảng 4.600.00 người (năm 2007) Singapore là một nước đa dân tộc, sự đa dạng đó thể hiện qua những con số: 74,2% dân là người Hoa, người gốc Mã Lai chiếm 13,44%, người Ấn chiếm 9,2%, còn lại là người Á Âu, Peranakan và các dân tộc khác khoảng 3,2%. Đây cũng là nơi sinh sống và làm việc của khoảng 20% số dân là lao động đến từ các nước khá nhau trên thế giới.
NGÔN NGỮ
Tính đa dạng văn hóa còn thể hiện trong ngôn ngữ. Singapore có tới 4 ngôn ngữ chính được ghi nhận trong hiến pháp, gồm tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Mặc dù người Hoa ở đây chiếm tới gần ¾ dân số nhưng sự giữ gìn truyền thống được thể hiện rõ qua việc họ quyết định lấy tiếng Mã Lai (hay Bahasa Melayu) làm ngôn ngữ quốc gia như một sự ghi nhận những người bản địa ở đây. Hầu hết cư dân trên đảo quốc này đều có thể nói thông thuộc nhiều hơn một thứ tiếng, người Châu Âu không quá đông nhưng tiếng Anh vẫn là một trong những tiếng chính, sự pha trộn âm tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Ấn trong cách dùng tiếng Anh đã tạo ra một dạng tiếng Anh địa phương mà người ta hay gọi là Singlish, một đặc điểm đơn giản để nhận biết người Singapore.Trong khi những đứa trẻ được học tiếng Anh trong trường thì khi về nhà nó sẽ được dùng tiếng mẹ đẻ, tiếng Hoa phổ thông được sử dụng chứ không có các loại tiếng khác như Phúc Kiến, Quảng Đông,…
TÔN GIÁO
Về tôn giáo, đây cũng là nước đa tôn giáo. Khoảng 51% dân số Singapore theo đạo Phật hoặc Đạo giáo, 15% dân số là tín đồ Cơ Đốc giáo (chủ yếu là người Hoa, Ấn và gốc Âu), Hồi giáo chiếm khoảng 14% (chủ yếu trong cộng đồng người Mã Lai, người Ấn theo Hồi giáo, và người Hồi), còn lại là không theo một tôn giáo nào cụ thể hoặc các tôn giáo khác không đáng kể. Đến Singapore bạn có thể nhận thấy sự hiện diện của những tôn giáo khác nhau. Đó có thể là những tòa tháp của giáo đường Hồi giáo, những tượng thần trong các đền thờ Hindu hay những mái ngói với lối kiến trúc đặc trưng trong các ngôi chùa Trung Hoa.
SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA PHONG TỤC.
Là một đất nước có phần lớn người Hoa sinh sống nên cũng như Việt Nam, Singapore chịu nhiều ảnh hưởng của các phong tục tập quán có nguồn gốc từ Trung Hoa, họ tiếp nhận nó một cách tự nhiên và lưu giữ thành những truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Tương tự người Việt, trong những ngày đầu năm mới, người Singapore kiêng kỵ quét dọn nhà cửa, tắm rửa không gội đầu vì quan niệm như vậy sẽ quét và rửa trôi đi hết những may mắn trong năm tới. Tránh không làm vỡ đồ đạc, đặc biệt là làm vỡ gương vì đó là biểu hiện của chuyện xấu và không may mắn. Không được mặc đồ trắng và không dùng kim hay kéo vì những vật dụng này có thể mang lại vận hạn không tốt cho họ.
Người Mã Lai thì khi lấy vợ, lấy chồng thường mời hết những người trong thôn đến dự lễ cưới, khi xong tiệc khách ra về trên tay còn cầm một quả trứng luộc chín với hàm ý mong con đàn cháu đống.
Đối với người Singapore, dùng ngón trỏ chỉ tay vào mặt người khác, nắm chặt nắm tay hay ngón trỏ là điều cực kỳ vô lễ với người đối diện. Điều này khá giống với người Việt. Cũng không nên tùy tiện chắp hai tay vào sườn vì đó thể hiện sự bực tức.
Khi ăn cơm không được đặt đũa lên trên bát hoặc đặt lên đĩa thức ăn. Khi không ăn nữa thì phải đặt đũa lên giá, đĩa tương ớt hoặc đĩa đựng xương. Ăn cá thì không nên lật ngược cá vì như vậy cũng sẽ lật thuyền, do đó phải tách cá ra và ăn từ trên xuống dưới.
Các con số 2,6,8 được coi là những con số may mắn, đặc biệt là người gốc Hoa, họ thường tặng 2 trái cam trong dịp Tết để lấy lộc. Tron khi số 4,7,13,37 và 69 được liệt kê vào hàng sổ đen, tiêu cực và không may mắn, đặc biệt là số 7, họ luôn tránh gặp phải số này nếu còn có thể.
Người Singapore cũng quan niệm màu đen và màu tím là không may mắn. Họ chuộng màu hồng, màu đỏ bởi vì nó mang sự trang nghiêm, nhiệt huyết mãnh liệt, vui vẻ, dũng cảm và tượng trưng cho sự khoan dung, độ lượng. Bên cạnh đó màu xanh da trời và xanh lá cây cũng là màu được ưa thích.
Người theo đạo Hồi/ Islam thì không uống rượu, không ăn thịt lợn cũng như những sản phẩm từ lợn.
Người Hindu không ăn thịt bò. Trong tang lễ người ta mặc áo sẫm màu và đưa tiền phúng điếu với con số lẻ bỏ trong phong bì màu trắng hoặc nâu.
Phụ nữ gốc Ấn Độ trên trán có xăm một nốt đỏ, còn nam giới dùng thắt lưng màu trắng, phần lớn khi gặp nhau chắp tay trước ngực để chào, vào nhà thì cởi dép.
Trong khi nói chuyện, người dân quốc đảo cấm kỵ bàn luận chuyện được mất, chuyện chính trị hay tranh giành xô xát chủng tộc, chia rẽ tôn giáo….kỵ luôn từ “Chúc phát đạt” vì như vậy là mắng chửi và sỉ vả người khác, vì nó đồng nghĩa với “tài bất nghĩa” hoặc “phúc bất nhân”. Họ thích nói về các món ăn ngon hay kinh nghiệm đi du lịch.
Những đồ vật không nên tặng nhau như: đồng hồ mang đến niềm tang tóc, chiếc dù là điềm rủi ro còn khăn tay là sự chia ly.
Ở Singapore người dân không hưởng ứng việc hút thuốc lá, họ có nếp sống văn minh rất cao. Tại những nơi công cộng, hút thút lá có thể khiến bạn mất đi 500 đô la Singapore tiền phạt. Vứt rác và bã kẹo Singum bừa bãi cũng sẽ làm bạn mất nhiều tiền hơn nữa.
CÁC LỄ HỘI LỚN
Tết Trung Thu
Tại Singapore, tết trung thu là lễ hội rất lớn vì đây là lễ hội truyền thống của người Hoa. Với đèn lồng lung linh, các gia đình ở đây sẽ quay quần bên nhau chia sẻ niềm vui và sự ấm áp.
Thaipusam
Thaipusam là lễ hội cổ xưa của người Ấn Độ, kỷ niệm ngày sinh của một vị thần Hindu. Tại lễ hội, các hoạt động được tổ chức như ca múa truyền thống, các cuộc hành hương với rất nhiều nghi lễ như xuyên kim qua các phần trên cơ thể,..
Lễ hội ánh sáng (Deepavali)
Đây là lễ hội của những người theo đạo Hindu, mang ý nghĩa như sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, ánh sáng soi rọi u tối. Vào dịp này, người Hindu sẽ trang hoàng nhà cửa bằng đèn điện thật lung linh huyền ảo.
Lễ Hari Raya Puasa
Đây là lễ hội lớn của người Hồi ở Singapore, đánh dấu ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Hari Raya Puasa là thời gian để mọi người tha thứ cho những lỗi lầm của nhau. Họ đến thăm nhau và tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn,…
Ngoài ra ở Singapore còn có rất nhiều lễ hội, tiêu biểu như Tết người Hoa, Tết Dương Lịch hay Ngày Quốc Khánh Singapore,…..